Cần xác định trọng tâm là khu vực công nghiệp hỗ trợ và tập trung tái cơ cấu các chuỗi liên kết để phục vụ cho sản xuất công nghiệp.
Mặc dù gặp nhiều khó khăn do diễn biến của dịch Covid-19 ngay từ những ngày đầu năm, song sản xuất công nghiệp Quý I/2021 vẫn tăng 6,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 5,1% của quý I/2020, đóng góp 2,2 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Đặc biệt, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục đóng vai trò động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế với mức tăng 9,45%, đóng góp 2,37 điểm phần trăm.
Ngành dệt may, da giày trong quý I/2021 đã có nhiều tín hiệu khởi sắc hơn so với cùng kỳ năm trước. Dù dịch bệnh vẫn còn, tuy nhiên đến thời điểm hiện nay các doanh nghiệp đã tìm ra được hướng đi phù hợp, thị trường dệt may, da giày thế giới đã dần sôi động trở lại.
Việc các nước liên tục đưa vaccine phòng Covid-19 vào tiêm cho người dân cũng đã tăng niềm tin, góp phần thúc đẩy nhu cầu tiêu dùng, trong đó có tiêu dùng dệt may, da giày tăng trở lại. Tuy số lượng và đơn giá sản phẩm chưa trở lại bằng ngưỡng năm 2019, nhưng tín hiệu thị trường đã dần hồi phục.
Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) hồ hởi chia sẻ, các DN dệt may Việt Nam, trong đó có các DN của Tập đoàn đều đã có đơn hàng đến hết tháng 4/2021. “Đáng chú ý, những mặt hàng như hàng dệt kim, hàng phổ thông với sức tiêu thụ lớn đã có đơn hàng đến tháng 7, tháng 8/2021. Đó là tín hiệu đáng mừng cho quá trình phục hồi trở lại của dệt may Việt Nam, nhất là khi dệt may Việt Nam đang có vị trí tốt trong chuỗi cung ứng toàn cầu được tái bố trí sau khủng hoảng đại dịch Covid-19 năm 2020”, ông Trường cho biết.
Bên cạnh các lĩnh vực sản xuất công nghiệp khởi sắc rõ rệt, vẫn có không ít lĩnh vực ghi nhận khó khăn, thách thức, điển hình như ngành thép, cơ khí. Theo Hiệp hội Thép Việt Nam, từ đầu năm đến nay thị trường thép nhìn chung ảm đạm với hoạt động sản xuất cầm chừng, bán hàng giao dịch rất ít do các công trình, dự án dừng lại hoặc giãn tiến độ thực hiện vì lo ngại dịch bệnh bùng phát. Hàng hóa lưu thông chậm do nhu cầu trong nước chậm. Vận chuyển nguyên vật liệu và hàng hóa các tỉnh khu vực Đông Bắc (Hải Dương, Hải Phòng, Hưng Yên, Quảng Ninh,…) khó khăn khi tâm dịch nằm ở Hải Dương, Quảng Ninh.
Tương tự với ngành cơ khí, ông Nguyễn Chỉ Sáng, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp cơ khí (VAMI) chia sẻ: Khó khăn lớn nhất, khó tháo gỡ nhất đối với các DN là đơn hàng. “Doanh số của các DN ô tô năm nay so với năm ngoái giảm rất nhiều. Các DN chế tạo cơ khí sau một năm Covid-19, đơn hàng bắt đầu ít đi trong khi cước vận chuyển tăng”, ông Nguyễn Chỉ Sáng nói.